BỆNH LIÊN CẦU KHUẨN - MỐI NGUY HẠI LUÔN RÌNH RẬP
- 10/09/2021
- 372
Liên cầu khuẩn lợn là loại vi khuẩn gây bệnh cho người và lợn, đây là bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó có lợn và người là chủ yếu. Bệnh tăng mạnh trong mùa nắng nóng và có nguy cơ trở thành dịch nếu không có biện pháp phòng tránh, điều trị
Đặc điểm bệnh
Bệnh liên cầu khuẩn do loại liên cầu Streptococcus gây ra, đây là loại vi khuẩn (Gr+) gây bệnh khá phổ biến cả trên động vật lẫn trên người. Loài gây bệnh chính trên heo là Streptococcus suis. Bệnh do Strep khá đa dạng, từ viêm màng não đến thể nhiễm trùng máu, viêm đa thanh dịch, viêm khớp, viêm nội tâm mạc, viêm phổi. Nó còn liên quan đến một số ca viêm xoang mũi và sảy thai.
– Bệnh thường xuất hiện lẻ tẻ, bệnh số thấp ở giai đoạn theo mẹ (10 – 25%) hoặc có thể tăng cao (50%) ở giai đoạn cai sữa (trong thể viêm màng não). Tỉ lệ chết thường thấp, 2 – 5%.
– Có ít nhất 34 type, nhưng type II đóng vai trò quan trọng trong việc gây bệnh.
– Bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ heo này qua heo khác qua tiếp xúc hoặc thông qua các hạt khí dung. Vi khuẩn khá đề kháng với nhiệt độ nhưng tương đối nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh (không nhạy với nhóm Aminoglycosides).
Triệu chứng và bệnh tích
Bệnh liên cầu khuẩn trên heo
Xảy ra chủ yếu ở heo con theo mẹ và heo cai sữa
– Heo con trên dưới 1 tuần tuổi có các biểu hiện: Xáo trộn vận động, liệt nhẹ; viêm khớp, sờ thấy nóng, heo có vẻ đau đớn đi lại khó khăn, cắt khớp ra có thể thấy mủ bên trong.
Heo con sưng, viêm khớp, vận động khó khan
– Heo cai sữa: khoảng 10 – 15 ngày sau cai sữa xuất hiện các triệu chứng thần kinh, rung rẩy, trợn mắt, nghiên đầu; có thể xuất hiện viêm khớp, nằm kiểu bơi chèo, cuối cùng dẫn đến chết.
Thể cấp tính heo chết nhanh không rõ triệu chứng. Vào giai đoạn đầu của thể viêm màng não ta thấy heo thường nằm sấp, run rẩy, lông dựng đứng. Sau 2 – 3h, heo bắt đầu trợn mắt, nằm nghiêng một bên, sùi bọt mép. Vi khuẩn bắt đầu xâm nhập vào hệ thống tuần hoàn (nhiễm trùng máu), có thể viêm khớp và viêm phổi kèm theo.
Viêm xuất huyết ở màng não
– Heo nuôi vỗ béo: thấy dạng viêm loét sùi van tim.
Viêm loét sùi ở van tim
– Nái: Heo nái có hiện tượng sốt cao đột ngột, sốt rất cao; nhiễm trùng huyết trong giai đoạn mang thai, giai đoạn trước và sau khi đẻ gây sảy thai, đẻ non, thai chết yểu, lợn con sinh ra nhỏ, yếu. Heo nái có thể chết đột ngột do nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng do sự phân hủy của thai..
Heo nái xảy thai, thai chết lưu
Bệnh liên cầu trên người
- Streptococus suis có thể gây bệnh cho người. Người có biểu hiện triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Tỷ lệ chết có thể tới 7%. Những người bị mắc bệnh chết còn do nhiễm độc tố vi khuẩn gây hiện tượng sốc.
- Việc truyền bệnh từ lợn bệnh sang người có thể do các vết thương ở da, đường hô hấp khi tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết ở lợn bệnh.
- Những người dễ nhiễm bệnh từ lợn gồm những người làm việc ở trại chăn nuôi lợn, người giết mổ gia súc, cán bộ thú y, người ăn tiết canh lợn hoặc ăn thịt lợn ốm chết. Thời gian nung bệnh ngắn từ vài giờ đến 3 ngày. Các trường hợp nhiễm bệnh thường đơn lẻ, do đó không có báo cáo tổng hợp đầy đủ ở các nước trên thế giới.
Biện pháp phòng trị liên cầu khuẩn trên heo
Hộ lý
– Nhanh chóng chuyển heo bệnh ra khỏi chuồng đưa đến chuồng cách ly, đảm bảo chuồng khô thoáng và ấm áp.
– Cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ.
– Phun sát trùng chuồng trại từ 1 – 2 lần.
Phòng – trị bệnh liên cầu khuẩn
Sử dụng các loại kháng sinh nhạy cảm như Amoxicillin, Penicillin, Ampicillin hoặc Trimethoprim/ Sulfa. Có thể trộn Amoxicillin vào thức ăn (750 -1000g/tấn thức ăn) đối với heo sau cai sữa. Tốt nhất nên sử dụng các loại kháng sinh có tác động kéo dài.
Đối với những trại chưa ổn định, để phòng bệnh cần phải:
– Xác định thời điểm phát hiện bệnh để có kế hoạch chủ động phòng ngừa
trước 2 – 3 ngày bằng kháng sinh.
– Pha kháng sinh vào bồn nước uống hoặc trộn kháng sinh vào thức ăn cho ăn từ khi bắt đầu cai sữa cho đến 6 tuần tuổi để phòng bệnh
Đối với trại chưa bị bệnh
Nếu trại chưa bị bệnh, nên cố gắng giữ cho đàn heo không bị tiếp xúc với mầm bệnh.
Nhập heo từ những trại sạch bệnh, rõ nguồn gốc.
Nên tự chủ động trong việc sản xuất con giống
Điều trị heo bị bệnh liên cầu khuẩn:
– Hạ sốt bằng Anagin C, Gluco – Namin
– Kháng viêm: Dexamethasone, Diclofelac
– Tiêm kháng sinh tổng đàn, nên dùng Peni-Strep L.A/ Amoxicillin L.A
– Trợ sức, trợ lực bằng: Caxi B12, Catosal, Ketovil…
Đề phòng các yếu tố nguy cơ
– Mật độ chăn nuôi đông, kém thông thoáng, thiếu không khí, chuồng trại mất vệ sinh
– Vòng chu chuyển heo liên tục
– Trại nhiễm PRRS có thể sẽ kích thích Streptococcus phát triển
– Thả chung nhiều nhóm heo khi cai sữa trong một ô chuồng
– Cắt tai, bấm răng, thiến… không đúng kĩ thuật, không sát trùng vết cắt…
– Sàn chuồng, nền chuồng úm không đảm bảo dễ gây tổn thương ở chân, khớp.
- Đảm bảo nguồn thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho đàn heo.
Biện pháp phòng bệnh liên cầu khuẩn trên người
Không mua, bán lợn bệnh, không mua, bán, ăn thịt lợn không rõ nguồn gốc, không giết mổ lợn bệnh, không ăn thịt lợn sống, không ăn tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín, không ăn thịt lợn ốm, chết.
Người tiêu dùng chỉ nên mua thịt lợn đó được cơ quan thú y kiểm soát và đóng dấu trên thân thịt.
Người giết mổ, tiêu huỷ lợn bị bệnh phải có biện pháp đề phòng bệnh liên cầu khuẩn lây sang người như sau: những người có tổn thương ở tay, chân, bệnh ngoài da … không được giết mổ lợn. Phải có trang bị bảo hộ tối thiểu khi giết mổ lợn như găng tay, khẩu trang. Sau khi giết mổ lợn phải rửa chân, tay bằng nước xà phòng đề phòng bệnh lây sang người.
Tuyên truyền về tính chất nguy hại và biện pháp phòng chống của bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân nhận thức, hiểu biết về bệnh cùng tham gia phòng chống.
Cảm ơn các bạn đã tham khảo bài viết của Greenbiofeed – Việt Nhật, chúc Quý khách hàng chăn nuôi thành công!
Xem thêm:
Bộ sản phẩm hỗn hợp dành cho lợn
Bộ sản phẩm hỗn hợp dành cho gia cầm
Bộ sản phẩm hỗn hợp dành cho thủy cầm
Bộ sản phẩm hỗn hợp dành cho thủy Sản